top of page
Search

Sau sinh, tôi đã tự chữa lành như thế nào?

Updated: Feb 20, 2021

Trong những năm gần đây, không ít sự việc thương tâm xảy ra từ hậu quả rối loạn tâm thần sau sinh. Nhưng hội chứng tâm lý này xuất phát từ đâu? Theo các nghiên cứu chuyên môn, hội chứng này xuất hiện do thay đổi nội tiết tố sau sinh, áp lực vai trò làm mẹ và các nguyên nhân khác như – không có thời gian cho bản thân, ngoại hình thay đổi, áp lực về tài chính... Phần lớn những nguyên do đấy tôi cũng đã từng trải qua và không ít thời gian cảm thấy bế tắc. Nhưng để không rơi vào tình trạng nguy hiểm, tôi đã phải học cách tự chữa lành cho mình.

Vậy cụ thể, tôi đã làm những gì?



Học cách đối mặt với sự thay đổi bên trong

Trên thực tế, sự thay đổi nội tiết tố không hiện hữu, nó được diễn ra bên trong cơ thể. Thật khó hình dung nó như thế nào, có hình dáng ra sao. Tôi nghĩ nội tiết tố là hợp chất – nó thúc đẩy sự đổi mới bên trong chúng ta. Sự thay đổi của hợp chất này là chuyện không của riêng ai. Với những người phụ nữ sau thời kỳ sinh con như tôi cũng không ngoại lệ.


Dễ xúc động, ủ rũ, hành động thái quá là những gì tôi đã trải qua trong thời gian đầu sau khi sinh em bé. Tôi tự hỏi đây có phải là chứng căng thẳng sau sinh hay không? Và tôi quyết định tìm hiểu về nó. Càng lục lọi thông tin xoay quanh vấn đề tâm lý của phụ nữ sau sinh, tôi càng chìm đắm và thể hiện các triệu chứng rõ rệt hơn. Chợt giật mình và dừng việc tìm kiếm này lại, tôi nhìn về phía giường của con, thiên thần nhỏ đang say giấc. Hít một hơi thật sâu, tôi thầm nghĩ, rồi mọi thứ sẽ cân bằng lại thôi.


Sự thay đổi nào cũng cần thời gian để thích ứng. Tôi nghĩ về ly nước đá, muốn tan chảy và cần thời gian để chuyển đổi thành nước lọc thông thường. Vậy tại sao tôi không cho cơ thể mình điều đó – thời gian cân bằng. Đây là lúc tôi quyết định chọn cách đối mặt , sống chung với lũ.


Để thúc đẩy quá trình thích nghi, tôi chọn cách đưa nguồn năng lượng tích cực từ bên ngoài vào bên trong. Việc uống 3 lít nước ấm mỗi ngày làm tôi cảm nhận cơ thể mình thật tươi mát và không lo lắng về lượng sữa mẹ cho con. Tôi cho rằng đây là một trong những bí kíp để duy trì dòng sữa mẹ. Hơn thế nữa, tôi nhận ra nước chính là thần dược cho cơ thể. Mọi thứ trở nên trong mát, đầu óc cũng dần thoải mái hơn. Nước hoa quả cũng là một lựa chọn tốt để bổ sung thêm vitamin.


Tôi chọn yoga và bơi tạo sức bền cơ thể. Tôi chắc chắn rằng, dành thời gian 30 phút mỗi ngày cho một môn thể thao hoàn toàn không lãng phí. Nó giúp tôi đỡ đau nhức hơn, dẻo dai hơn và từ đó sức chịu đựng của tôi ngày càng tăng. Có những đêm thức trắng hay chỉ ngủ được vài tiếng, nhưng hôm sau tôi vẫn theo lịch trình mỗi ngày mà không cảm thấy mệt.


Nếu ai hỏi tôi, đến khi kiệt sức tôi sẽ làm gì? Đương nhiên tôi sẽ đặc cách cho mình la lớn lên và yêu cầu sự giúp đỡ của những người xung quanh.


Vai trò làm mẹ có thật sự áp lực không?

Từ bao giờ thiên chức làm mẹ lại được định nghĩa là công việc áp lực – gánh nặng của người phụ nữ. Tôi nghĩ khác, thiên chức là món quà đặc biệt quý giá mà vũ trụ dành tặng cho người xứng đáng được nhận. Đương nhiên, có người trân quý, cũng có người từ chối món quà đặc biệt này. Tôi nhận ngay thiên chức này với niềm hân hoan. Bởi phải chờ và rất khó tôi mới may mắn nhận được điều tuyệt vời đó, được làm mẹ.


Theo quan điểm cá nhân, làm mẹ là một công việc đòi hỏi tôi trước đó phải học, chuẩn bị tinh thần cho hành trình trở thành người đa di năng. Bởi lẽ, tôi là người đầu tiên giới thiệu cả thế giới này cho con thông qua hàng tỉ công việc hằng ngày. Áp lực không tự nhiên có, do chính con người tự tạo ra cho mình mà thôi.


Kiệt sức vì vắt sữa ư? Không phải vậy đâu nhé. Kiệt sức hay không là do cách mình chọn. Vắt sữa trong niềm vui mới là sữa tốt nhất cho một em bé. Ngay cả các hãng sữa tươi lớn, họ cho bò nghe nhạc để cho nguồn sữa chất lượng cao. Sữa mẹ cũng vậy, thả lỏng cơ thể và tâm trí, vắt những dòng sữa tốt nhất cho con. Khi tôi cảm thấy việc vắt sữa mệt mỏi, tôi đã dừng và cho con bú trực tiếp. Tôi chọn ngủ để có sức khỏe cho một ngày bên con hơn là ngồi vắt sữa để rồi kiệt sức. Đến nay cậu bé đã hơn 1 tuổi vẫn còn uống sữa mẹ. Vì vậy, sữa tốt nhất là sữa mẹ thư thái. Và khi đã thư thái rồi thì chắc chắn không có chuyện mẹ mất sữa.


Quan điểm làm mẹ không có thời gian dành cho bản thân có đúng không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc sự lựa chọn, sắp xếp của mỗi người mẹ. Tôi chọn cách phân bổ thời gian phù hợp nhất với các thành viên trong gia đình. Nó tương tự như việc tôi sắp xếp thời gian biểu khi còn làm văn phòng. 8 tiếng làm việc hiệu quả trong vui vẻ, tinh thần thoải mái. Ở nhà, tôi có nhiều thời gian hơn thế. Vậy thì sẽ hiệu quả hơn nhỉ.


Hẳn là các mẹ ở Việt Nam đều biết về phương pháp nuôi con EASY. Tôi thấy thật ngưỡng mộ các chị viết ra cuốn sách này cũng như những chia sẻ của các chị, mong muốn giúp các bà mẹ nuôi con nhàn hơn. Tuy vậy, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, phương pháp hay đến đâu thì hiệu quả vẫn ở người áp dụng - mẹ. Tôi bắt tay áp dụng EASY trên giấc ngủ của con. Bởi lẽ, giấc ngủ với trẻ sơ sinh rất quan trọng. Quan sát và lắng nghe con mình là “tuyệt chiêu” mà tôi thực hành trong quá trình này. Khi làm được điều này, tôi đã uyển chuyển áp dụng phương pháp và con trai tôi đã hình thành đồng hồ sinh học riêng của mình. Con đi ngủ vào lúc 18h30 và thức dậy 6h. Cứ như thế, sau 18h30 hằng ngày, tôi có thời gian ăn tối, nói chuyện với chồng và thời gian cho bản thân thư giãn. Trên đây là ví dụ điển hình khi tôi áp dụng chia sẻ của những người có trải nghiệm tốt với con.

Áp lực duy nhất tôi cảm nhận khi có con đó là những khi con ốm. Những lo lắng, bồn chồn không yên trong lòng làm tôi cảm thấy nặng nề. Tuy vậy, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Theo lời bác sĩ Trí Đoàn “Hãy để con được ốm”. Đúng vậy, mỗi lần con ốm là một bước phát triển mới của con. Con mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn.


Tôi không đồng ý khi mọi người cho rằng việc nuôi con là cuộc chiến để rồi lại có cụm từ “nuôi con không phải cuộc chiến” hay “nuôi con nhàn tênh”… Hành trình làm mẹ là một hành trình lớn, nó kéo dài đến khi bạn hòa mình với đất trời. Tôi khẳng định hành trình này không dễ dàng mà rất nhiều thử thách. Tình yêu của người mẹ có sức mạnh lớn và nó càng mạnh hơn khi tôi chọn cách đồng hành thay vì coi đó là một nhiệm vụ của mình.


“Tối giản hóa mọi thứ, bạn sẽ thư thái, đời sẽ theo đó thoải mái”


 
 
 

Comments


Subscribe Form

Cảm ơn bạn! Tôi sẽ phản hồi bạn sớm nhất.

©2021 by Bio Mommy by An

bottom of page